Nhắc đến đất nước Nhật Bản, nhiều người thường nghĩ đến những sản phẩm công nghệ hiện đại, những thiết bị khoa học mới mẻ hay những tòa nhà bằng kính cao tưởng đến tận trời xanh… Nhưng đó chưa phải là tất cả! Có một Nhật Bản khác lạ hơn, đẹp hơn và thi vị hơn đang chờ đợi tôi khám phá! Hãy cùng tôi trải nghiệm và hòa mình vào nông thôn Nhật Bản, để cảm nhận một Nhật Bản trong tôi theo cách hoàn toàn riêng biệt!
…Rời xa khu phố sầm uất, dòng người và xe cộ tấp nập ở Tokyo, chuyến xe buýt đưa tôi về với nông thôn Nhật Bản-làng Katashina nằm gần tỉnh Gunma. Xe buýt chạy êm đến nỗi băng qua những chỗ ngoặt và uốn lượn của cung đường núi ngoằn ngoèo mà tôi không hề hay biết. Đưa tay ra ngoài ô cửa sổ, tôi cảm nhận được làn gió mát đến se lạnh của mùa thu, hương thơm ngọt ngào của núi rừng, cây cỏ. Thi thoảng lướt qua ô cửa kính là mấy bụi hoa dại màu hồng nhạt, thân mảnh mai đang vươn mình đón lấy ánh mặt trời. Cũng giống như nông thôn nước Việt, nông thôn Nhật Bản nổi bật với những cánh đồng lúa vàng thẳng tắp. Hương đồng nội của những bông lúa trĩu cành tạo một cảm giác ấm áp và gần gũi.
Thời điểm tôi đến làng Katashina cũng là lúc nông dân ở đây đang vào mùa thu hoạch. Người trẻ không mấy mặn mà với công việc đồng áng nên họ lên thành phố kiếm sống. Trong làng chỉ còn vài hộ gia đình, đa phần là người lớn tuổi tiếp tục với nghề nông. Một đời họ gắn bó với cây lúa, cho đến lúc tuổi già nhưng may mắn thay, nhờ có cơ khí hóa nông thôn mà công việc đồng áng trở nên nhẹ nhàng. Đâu đâu trên khắp cánh đồng Nhật Bản cũng thấy máy móc xuất hiện. Máy móc có mặt ở khắp mọi nơi, tham gia vào mọi công đoạn như một phần không thể thiếu. Phía xa kia, chiếc máy gặt nhỏ xíu chạy thành vòng trên cánh đồng, cứ sau vài giây, lại cho ra một bó lúa nhỏ được buộc chặt nằm ngay ngắn đúng vị trí như đã được sắp đặt từ trước.
Tôi đi dọc con đường làng có rất nhiều biển hiệu đề Suối Nước Nóng (Onsen). Kinh doanh hình thức suối nước nóng công cộng rất phổ biến ở nông thôn Nhật, đặc biệt là ở những làng nằm dưới chân núi như làng Katashina. Có thể nói, suối nước nóng là một đặc sản của làng. Hầu như tất cả những hộ gia đình ở đây đều lắp đặt hệ thống ống dẫn nước suối nóng từ thượng nguồn về. Ở Nhật Bản, hình thức tắm suối nước nóng đã có từ rất lâu. Người Nhật rất chú ý đến sự cân bằng của cuộc sống. Sau thời gian làm việc căng thẳng, họ thường để cho cơ thể nghỉ ngơi bằng cách ngâm mình trong làn nước ấm nóng của suối nước khoáng tự nhiên chảy từ đỉnh núi xuống.
Hoạt động thường xuyên của núi lửa giữ nhiệt độ mạch nước ngầm cao, tạo nên những suối nước nóng rất đặc biệt. Tắm suối nước nóng không đơn giản chỉ là một nhu cầu mà đó còn là một hình thức được gần gũi, trở về với thiên nhiên. Hơi nước nóng bốc lên như màn sương nhẹ, ôm lấy cơ thể, một cảm giác hòa hợp, thư thái nhằm nạp lại nguồn năng lượng mới. Vì chưa quen, nên ban đầu tôi có cảm giác nóng như bị bỏng. Nhưng rồi khi ngâm mình lâu trong dòng nước, tôi thấy hết sức dễ chịu, như thể mọi gánh nặng và mệt mỏi đều cuốn trôi đi hết.
Người Nhật yêu thích thể thao và các hoạt động cộng đồng. Tùy từng mùa mà có rất nhiều lễ hội khác nhau diễn ra. Mùa thu và nhất là vào đông, hoạt động leo núi, chạy bộ được các làng tổ chức thường xuyên. Tôi đã được hòa mình vào không khí của một cuộc thi chạy marathon thường niên đang được tổ chức ở làng. Vận động viên là khách quốc tế và người dân địa phương. Nhiều “vận động viên” còn có cả gia đình đi theo đứng bên đường cổ vũ rất nhiệt tình. Cuộc thi không nặng tính thành tích, cạnh tranh mà mục đích chủ yếu là mang lại niềm vui, nâng cao niềm yêu thích thể dục thể thao trong cộng đồng.
Quan trọng hơn, đây cũng là dịp để cả người dân trong làng cũng như du khách được gặp gỡ và giao lưu văn hóa, trò chuyện. Chúng tôi chia sẻ những nét độc đáo, khác biệt trong văn hóa của từng dân tộc. Hình như, giữa chúng tôi, không hề có bất kỳ khoảng cách ngôn ngữ hay rào cản nào! Tiếng cười nói cứ thế vang vọng, hòa quyện trong khí trời mùa thu se lạnh, lan tỏa dưới những tán lá phong sắc đỏ rợp trời.
Rất nhiều ngành nghề truyền thống được lưu giữ cẩn thận ở vùng nông thôn Nhật Bản. Trong đó, nghề dệt, nhuộm lụa thủ công là một trong những nghề tiếp tục tồn tại và phát triển mặc cho những thay đổi của xã hội mới. Tham gia vào một lớp học nhuộm lụa, tôi mới biết là nhuộm màu, tạo họa tiết cho lụa vất vả đến nhường nào. Phải trải qua rất nhiều công đoạn mới hoàn thành một sản phẩm. Chỉ cần không chú tâm ở một công đoạn thôi là có thể màu nhuộm ra sẽ không đúng và không đều.
Điều rất đặc biệt là cây lấy màu nhuộm lụa ở Nhật được người thợ nhuộm tự tay trồng. Người thợ nhuộm trồng và chăm sóc vườn rất cẩn thận vì màu đẹp hay không một phần từ chất lượng của cây thuốc nhuộm. Các kỹ thuật, kinh nghiệm này đã được người Nhật gìn giữ và truyền từ đời này đến đời khác. Và dưới sự hướng dẫn tận tình của các cô giáo người Nhật Bản, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành sản phẩm chiếc khăn tay của mình. Chiếc khăn tay có những bông hoa trắng nhỏ như những bông hoa cúc nổi trên nền màu xanh dương mang phong cách rất đặc trưng Nhật Bản. Đối với tôi, chiếc khăn tay này thực sự là một món quà kỷ niệm vô cùng ý nghĩa…
Giữa những cánh đồng lúa trổ bông trĩu vàng, giữa những mái nhà gỗ nhỏ thấp, những con đường nhựa uốn lượn là màu xanh của núi rừng, hoa cỏ bạt ngàn, tôi sảng khoái hít một hơi thật sâu khí trời trong mát căng đầy lồng ngực. Dù không có khách sạn 5 sao, không có các dịch vụ mua sắm, shop hàng hiệu,… nhưng chính không khí và sự thân thiện, gần gũi của con người và vùng nông thôn Nhật lại khiến tôi cũng như bất kỳ du khách nào khác có mặt trong chuyến đi cảm thấy vô cùng tuyệt vời. Chúng tôi đã có những trải nghiệm thực tế ở một vùng văn hóa khác, được đánh thức hòa mình về với thiên nhiên, được thanh tịnh lại chính mình. Ánh chiều hoàng hôn ửng hồng nơi cuối chân trời phản chiếu xuống cánh đồng vàng như bức tranh đẹp khép lại chuyến hành trình của tôi về với nông thôn Nhật. Hẹn gặp lại Nhật Bản trong một ngày gần nhất!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét