Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

HƯỚNG DẪN CHỌN CÔNG TY DU HỌC NHẬT UY TÍN

Hướng dẫn chọn công ty du học Nhật uy tín
"Chọn mặt gửi vàng"




Hiện thực xã hội Việt Nam khiến cho việc đi du học Nhật đang là nhu cầu đối với nhiều người, nhưng các dịch vụ du học Nhật ở Việt Nam đang rất loạn ở chỗ thông tin không đúng thực tế, phí dịch vụ quá cao. Nghe nói có công ty quảng cáo tuyển nhân viên với "tiền lương cố định và phần trăm lợi nhuận trên mỗi đầu học sinh, có thể có thu nhập đến...2 tỉ mỗi mùa du học" - Thế thì khỏi đi du học kiếm tiền, làm nhân viên môi giới (cò) luôn đi.

Theo các chuyên gia tư vấn của ICC Hà Nội, tiêu chí đánh giá các công ty du học có thể gồm các yếu tố sau.

- Có thể chỉ cho bạn thấy thế nào là ”du học”.
- Am hiểu về môi trường giáo dục Nhật Bản.
- Có phong cách làm việc lịch sự, đạo đức từ cách nói năng, giao tiếp. 
- Có thể tư vấn định hướng được con đường phù hợp với bạn. Con đường đó không nhất thiết phải là du học.
- Cung cấp thông tin cụ thể chi tiết về môi trường học tập của từng trường mà Trung tâm hoặc công ty đó liên kết, nhưng bạn phải được quyền chọn nơi nào để đi.
- Các chi phí phải được liệt kê đầy đủ rõ ràng từng con số và phải được cung cấp bằng văn bản có đóng dấu xác nhận của công ty. Phải có điều khoản "chi phí gì phát sinh ngoài hợp đồng không thuộc nghĩa vụ của người đi du học".
- Có thể hỗ trợ bạn trong suốt quá trình bạn học tập tại Nhật.

Như vậy, các yếu tố để kiểm tra xem công ty có vấn đề hay không, có thể xét như sau.

- Không lừa đảo thông tin.
- Không bắt chẹt khách hàng.
- Không tính phí quá cao bất hợp lý.
- Cho khách hàng lựa chọn trường tiếng Nhật, chọn dịch vụ nhà ở, dịch vụ visa...
- Ký hợp đồng rõ ràng, không ép buộc các điều khoản ngoài hợp đồng.
- Chăm sóc khách hàng kể cả khi họ đã sang Nhật thời gian đầu, nhất là khi họ bất an (ghi rõ vào hợp đồng).

Nên nhớ, việc hứa hẹn sẽ đảm bảo công việc bằng miệng là một yếu tốt lừa đảo, bởi vì thực tế không có chuyện tìm việc hộ. Nếu có chỉ là sự tự nguyện giúp đỡ của trường về "thông tin công việc" mà thôi, tự mình phải đi xin việc. Du học không những không phải là dịch vụ tìm việc, mà còn bị cấm về mặt pháp luật.

1. Có nhiều trường tiếng Nhật (ở Nhật) thành lập chi nhánh ở VN, hoặc khuyến khích nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc có nhân viên đi công tác Việt Nam. Có thể tìm đến các trường đó, nhưng hồ sơ thì mình phải tự làm.

2. Không nên nghe lời "cò" môi giới, hoặc đi qua "cò". Những người này hầu hết đều phét lác, và tiền chi phí cho họ, nghe nói từ 500-800USD sẽ là 1 gánh nặng mà chính người đi du học phải trả thêm. Những công ty nào sử dụng "cò" có xu hướng đắt hơn các công ty khác.

3. Về chi phí trường tiếng Nhật (ở Nhật)Các trường đều có trang web ghi rõ thông tin. Nói chung là đều tương tự nhau cả, nhưng có trường cho đóng học phí nửa năm, có trường bắt đóng 1 năm một. Các công ty du học tốt sẽ tự đưa trang web cho ngừoi du học tham khảo. Ngược lại thì sẽ phải nghi vấn. (chọn trường tiếng Nhật thì có lẽ sẽ viết bài riêng)

4. Về chi phí làm hồ sơ du học:

Bây giờ đã có vài nơi nhận làm việc này miễn phí, vì thực ra các trường tiếng Nhật đều có trả phí cho công ty/dịch vụ du học. Tuy nhiên không phải cứ miễn phí là tốt, còn phải xem xét thời gian, chất lượng dịch, có bịa đặt nội dung hồ sơ hay không, người làm hồ sơ có chuyên nghiệp không, mức độ quan hệ với trường tiếng Nhật tốt ra sao, có thể làm hồ sơ với trường tiếng mà mình muốn học hay không, có tính tổng số tiền sai lệch quá không... Nên so sánh vài nơi. Tất nhiên nếu đã có nơi làm miễn phí thì không thể chấp nhận những nơi làm đến 5,6 chục triệu rồi. 

Tóm lại hãy tìm những công ty quảng cáo vừa phải, chi phí vừa phải và được review tốt trên cộng đồng, chưa gặp phốt phát gì.

5. Về việc hủy hợp đồng với công ty du họcĐiều khoản này phải được ghi rõ ràng trong hợp đồng, hạn bao lâu phải trả lại hồ sơ giấy tờ (nhất là giấy tờ gốc). Thực tế thì phía Nhật sẽ trả lại hồ sơ gốc sớm sau khi đối chiếu rõ ràng, nên nếu dịch vụ du học chây ì không trả hồ sơ hoặc không cho hủy hợp đồng, hoặc cho hủy mà phạt tiền nhiều là có vấn đề.

6. Về dịch vụ đào tạo tiếng Nhật trước ở VN:

Trước khi đi Nhật học thực ra lại cần học tiếng Nhật trước ở VN. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng thực tế là cần như vậy vì vài lý do.

- Phía Nhật muốn thấy là học sinh thực sự có nhu cầu và động lực đi du học chứ không phải đi vì lý do khác. ^^
- Cần có bằng N5, N4 hoặc trình độ tương đương (tùy phía trường Nhật yêu cầu) trước nên cần phải thi lấy bằng này ở VN. N5 thì nếu học tử tế, chắc có thể lấy trong vòng 2-4 tháng.
- Thực ra học càng tốt tiếng Nhật sẵn ở VN càng ổn định cuộc sống ở Nhật, từ đi sắm điện thoại cho đến tìm nhà, tìm việc làm thêm (arubaito), nên đừng cố thi vớ vẩn hoặc để dịch vụ du học gà bài. Học cho mình thôi. Cuộc đời 80 năm, không đi đâu mà vội 2 tháng cả. 
- Nên học nơi nào có giáo viên tử tế, trình độ cao (đương nhiên), học cả nghe nói nhé. Chăm chăm làm ngữ pháp thì không thực dụng đâu.

7. Về dịch vụ thuê nhàĐây có vẻ là 1 tệ nạn lớn, phản ánh đạo đức kinh doanh của dịch vụ du học. Một vài thủ đoạn của họ. 

- Nói là đóng tiền cả nửa năm chẳng hạn nhưng thực tế chỉ mới trả công ty bất động sản 3 tháng chẳng hạn.
- Nhiều dịch vụ du học không công khai tiền nhà thực sự cố định hàng tháng, mà thu tiền trên mỗi đầu học sinh và nhét nhiều người vào ở, bất chấp quy định không gian tối thiểu ở Nhật (1 người: 25m2, 2 người: 30m2, 3 người: 40m2, 4 người:50m2, n người: n X 10m2 + 10m2).
- Thu tiền đầu vào rất nhiều tiền mà không trả lại số tiền này khi người thuê nhà ra khỏi nhà
- Thu tiền đầu vào với tất cả mọi người trong khi tiền này chỉ phát sinh 1 lần.
- Không thu tiền đầu vào nhưng tính tiền nhà cao lên, đòi cả tiền dọn dẹp nhà cửa khi ra khỏi nhà. Tuy nhiên hợp đồng của người đi du học ký với công ty du học (nếu có) là vô giá trị đối với công ty bất động sản. Khi có tranh chấp xảy ra thì chẳng thấy công ty du học đâu cả.

Kết luận là nên tự mình đi thuê nhà, hoặc nhờ trường dẫn đi thuê nhà, còn lúc đầu chỉ nên ở ký túc xá của trường.

8. Về chi phí xin visa ở Đại Sứ Quán NhậtNhiều nơi đòi số tiền này lên đến hàng triệu đồng, thật là chặt chém. Đó là thủ tục gì? Sau khi Cục XNC chấp nhận hồ sơ, cấp cho giấy 在留資格認定証明書 (Certificate of Eligibility for Resident Status), nếu nộp tiền học cho trường thì sẽ có thêm giấy 入学許可書 (giấy chấp nhận nhập học). Cầm 2 tờ giấy này cùng với hộ chiếu của mình lên ĐSQ để xin visa, thì lệ phí của ĐSQ vài trăm nghìn.

Tham khảo thông tin lệ phí visa của Đại Sứ Quán Nhật tại Việt Nam: http://www.vn.emb-japan.go.jp/…/consu…/help_visa_120110.html


Tu Nguyen - ICC Hà Nội

Nguồn: CĐVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Labels